Bạn có phải là Cha mẹ tích cực?

  1. Như thế nào được gọi là “Cha mẹ tích cực?”

Trước khi cung cấp một định nghĩa về cha mẹ tích cực, chúng ta hãy lùi lại một bước và xem xét câu hỏi “Cha Mẹ là gì?”. Trong khi rất nhiều nghiên cứu về việc làm cha mẹ đã tập trung quá nhiều chỉ vào vai trò của các bà Mẹ, hãy nhớ rằng: Sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tất cả các cá nhân tham gia vào quá trình nuôi dưỡng và giáo dục chúng.

Những người chăm sóc như vậy có thể bao gồm: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ đơn thân, cha mẹ kế, anh chị của trẻ và những người thân khác, hoặc thậm chí kể cả những người không phải họ hàng trong gia đình nhưng lại đóng một vai trò có ý nghĩa trong cuộc sống của trẻ con. Nói cách khác, thuật ngữ “Cha Mẹ” áp dụng cho một loạt các cá nhân mà sự hiện diện của họ có ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em (Juffer và cộng sự, 2008).

Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất định nghĩa về cha mẹ tích cực, chẳng hạn như Seay và các cộng sự (2014), đã xem xét và tổng hợp 120 bài nghiên cứu để đưa ra định nghĩa phổ quát sau đây: “Nuôi dạy con tích cực là việc duy trì mối quan hệ liên tục của cha mẹ và con cái bao gồm: Chăm sóc, dạy dỗ, dẫn đường, giao tiếp và đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách nhất quán và vô điều kiện (Seay và cộng sự, 2014).

Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng Châu Âu (2006) tương tự như vậy, đã đưa ra định nghĩa về cha mẹ tích cực bao gồm các đặc điểm “… nuôi dưỡng, trao quyền và không sử dụng bạo lực …” và do đó “đưa tới cho trẻ em 1 sự công nhận và hướng dẫn trong đó bao gồm thiết lập ranh giới để cho phép sự phát triển đầy đủ của trẻ em” (Rodrigo và cộng sự, 2012). Những định nghĩa này, kết hợp với tài liệu nuôi dạy con tích cực, gợi ý những điều sau đây về cách nuôi dạy con tích cực:

  • Làm cha mẹ tích cực liên quan tới: Sự hướng dẫn
  • Làm cha mẹ tích cực liên quan tới: Chỉ bảo
  • Làm cha mẹ tích cực liên quan tới: Sự dạy dỗ/ Giáo dục
  • Làm cha mẹ tích cực liên quan tới: Sự chăm sóc
  • Làm cha mẹ tích cực liên quan tới: Sự trao quyền/ tôn trọng
  • Làm cha mẹ tích cực là sự Nhạy cảm với các nhu cầu của trẻ em
  • Làm cha mẹ tích cực liên quan tới: Sự nhất quán
  • Làm cha mẹ tích cực luôn luôn phải nhớ: Không sử dụng bạo lực
  • Làm cha mẹ tích cực là: Tạo môi trường giao tiếp Mở và Thoải mái
  • Làm cha mẹ tích cực liên quan tới: Tương tác về cảm xúc
  • Làm cha mẹ tích cực là Mang lại cảm giác ấm áp cho con trẻ
  • Cha mẹ tích cực cung cấp tình yêu vô điều kiện cho con cái
  • Cha mẹ tích cực luôn Phát hiện và Ghi nhận điểm mạnh/ tích cực
  • Tôn trọng các giai đoạn phát triển của trẻ em
  • Cha mẹ tích cực phải biết Ghi nhận thành tựu của con trẻ
  • Làm cha mẹ tích cực là biết Đặt ra 1 ranh giới rõ ràng
  • Các bậc Cha mẹ tích cực thể hiện sự Đồng cảm với cảm xúc của trẻ em
  • Hướng tới hỗ trợ các lợi ích tốt nhất cho trẻ em

Cùng với những phẩm chất này, Godfrey (2019) đề xuất rằng các giả định cơ bản của cha mẹ tích cực là “… tất cả trẻ em được sinh ra với bản chất tốt, là vị tha và mong muốn làm điều đúng …” (Nhân chi sơ tính bổn thiện). Godfrey nói thêm rằng mục tiêu của việc nuôi dạy con tích cực là dạy tính kỷ luật theo cách xây dựng lòng tự tôn (Self-esteem) của một đứa trẻ và ủng hộ mối quan hệ cha mẹ và con cái tôn trọng lẫn nhau mà không phá vỡ tinh thần trẻ con (2019). Các tác giả này tiết lộ một bức tranh tổng thể về nuôi dạy con tích cực là ấm áp, chu đáo và yêu thương nhưng không dễ dãi.

  1. Phong cách Làm cha mẹ tích cực là gì?

Một chủ đề nổi bật trong những tài liệu về nuôi dạy con tích cực là phong cách nuôi dạy con cái ấm áp nhưng nhất quán có liên quan đến nhiều kết quả tích cực đối với trẻ em. Phong cách này được gọi là “Phong cách làm cha mẹ có thẩm quyền – Authoritative parenting style” và nó được khái niệm hóa như một cách tiếp cận nuôi dạy con cái bao gồm một sự cân bằng tốt của các phẩm chất làm cha mẹ sau: Quyết đoán – nhưng không Quá quắt; Yêu cầu cao – nhưng Hỗ trợ tốt; ủng hộ về mặt Kỷ luật, nhưng không sử dụng Trừng phạt (Baumrind, 1991).

Cùng với phong cách nuôi dạy con cái có thẩm quyền, phong cách nuôi dạy con cái phát triển cũng được cho là hỗ trợ kết quả tích cực của con cái (Roggman và cộng sự, 2008). Nuôi dạy con cái phát triển là một kiểu nuôi dạy con tích cực, thúc đẩy sự phát triển tích cực của trẻ bằng cách:

  1. Cung cấp tình cảm (tức là, thông qua các biểu hiện tích cực của sự ấm áp đối với trẻ)
  2. Phản ứng nhanh (tức là, nhanh chóng phản ứng với những nhu cầu của con trẻ)
  3. Khuyến khích (tức là, bằng cách hỗ trợ các khả năng và sở thích của trẻ con)
  4. Dưỡng dục (tức là, bằng cách sử dụng hoạt động chơi và trò chuyện để hỗ trợ sự phát triển nhận thức của trẻ con (Roggman & Innocenti, 2009).

Nuôi dạy con cái phát triển chia sẻ rõ ràng một số điểm tương đồng với cách nuôi dạy con cái có thẩm quyền, và cả hai đều đại diện cho phương pháp nuôi dạy con tích cực. Nhìn chung, các chiến lược nuôi dạy con tích cực có tác dụng nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc; điều hiển nhiên là các kiểu nuôi dạy con tích cực khuyến khích trẻ tự chủ bằng cách:

  • Hỗ trợ và tham gia vào việc ra quyết định
  • Chú ý và đáp ứng nhu cầu của một đứa trẻ
  • Sử dụng giao tiếp hiệu quả
  • Chú ý đến cảm xúc của con trẻ
  • Khen thưởng và khuyến khích những hành vi tích cực
  • Cung cấp các quy tắc và kỳ vọng rõ ràng
  • Áp dụng các hậu quả nhất quán cho các hành vi
  • Cung cấp giám sát và giám sát đầy đủ
  • Đóng vai trò là một hình mẫu tích cực
  • Ưu tiên các kinh nghiệm tích cực trong gia đình

Tóm lại, cha mẹ tích cực hỗ trợ một đứa trẻ phát triển khoẻ mạnh về cả mặt thể chất và sức khoẻ tâm thần bằng cách yêu thương, hỗ trợ, nhất quán, kiên định và tham gia. Những bậc cha mẹ như vậy không chỉ truyền đạt những kỳ vọng của họ, mà còn thực hành những gì họ rao giảng bằng cách trở thành những tấm gương tích cực cho con cái noi theo.

***

Lược dịch: Minh Thành

Nguồn: Positivepsychology.com

Bản quyền dịch: Cánh Diều Project

 

Leave a comment